Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXII Mùa Thường Niên (Lc 6,1-5) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 6,1-5

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Cr 4,9-15

Thưa anh em, tôi thiết nghĩ Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông đồ, hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người.

Mới đọc qua, chúng ta không thể không cho các lời ấy là thái quá. Tại sao vậy? Các “Tông đồ”, Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục … là “các người hạng chót”. Và Phaolô còn thêu dệt thêm vào phần cuối của đoạn văn này: “Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người”.

Trong thành Côrintô, Phaolô đã không phải là một vị chức sắc có uy tín. Hơn thế nữa, ông tự sánh mình ngang hàng với hạng du thủ du thực tồi tàn mà các thị dân thời ấy nuôi dưỡng để làm vật tế thần trong các trường hợp có tai ương hay như hạng các tử tội bị ném làm mồi cho thú dữ trong các đấu trường trước con mắt của các “khán giả”.

Làm sao hiểu được cái kiểu nói thái quá này, nếu không quy chiếu vào Đức Giêsu Kitô? Tiêu chuẩn của vị Tông đồ chân chính không phải là nên giống Đức Giêsu, Đấng chịu tử hình trên đồi Golgotha vì phần rỗi nhân loại, như một tên tử tội dưới mắt các khán giả, để chứng minh một tình thương vô biên sao?

Một lần nữa, tôi cần phải chiêm ngắm chính Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Tôi không lướt qua quá nhanh trên các suy tư này, dù nó ngược lại với các xu hướng thường tình của tôi và của thế gian.

Suy nghĩ như thế có giúp tôi đặt lại những vấn đề nào trong đường hướng Tông đồ và truyền giáo? Nó có mang lại một tia sáng nào trong đời sống mang thập giá cụ thể của tôi không? Tôi có ý thức cộng tác vào công cuộc cứu chuộc không?

Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô …

Quả thực, cần phải điên dại để lao mình vào một công trình cũng điên dại: Đó là loan báo cho người ta cái ô nhục của Thập giá.

Còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô.

Toàn bản văn tiếp sau là cả một mỉa mai chua chát, chống lại cuộc sống tự mãn kiêu căng của các người Côrintô, ngược lại với cuộc đời nghèo khó và chịu đựng của Phaolô.

“Chúng tôi điên dại” … còn anh em thì khôn ngoan. “Chúng tôi yếu đuối” … còn anh em thì mạnh mẽ. “Chúng tôi bị khinh khi”, còn anh em được kính trọng.

Dưới các lời châm biếm này, thấy nhắc nhở lại các mối phúc. Nếu muốn nên người Kitô hữu, thì không được quên các mối phúc. Sống thỏa mãn về chính mình, tính tự phụ giả hình, dù là về phương diện thiêng liêng cũng là điều nghịch lại Tin Mừng.

Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ vì roi vọt, phiêu bạt lang thang, chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng.

Không, một lần nữa, các Tông đồ không phải là những kẻ giàu có, quyền thế, có địa vị, luôn thành công, vô tư và không bao giờ gặp thử thách đâu?

Bị nguyền rủa … chúng tôi chúc lành. Bị bắt bớ … chúng tôi cam chịu. Bị vu khống … chúng tôi đem lời an ủi.

Ở đây, Phaolô sử dụng các nghịch lý của các mối phúc dưới một hình thức khác. Người “nghèo” lại là kẻ “có phúc” … người “bị đối xử tệ” mà lại dùng thời giờ làm cho kẻ khác được hạnh phúc.

Chúng ta đừng bao giờ quên gương mặt này của Kitô giáo. Đó là gương mặt thật của Đức Giêsu. Và đó là một trong các lời răn dạy quan trọng nhất của thư gửi giáo đoàn Côrintô. Nếu không họa lại vài nét như thế, thì không phải là môn đệ của Đức Kitô.

Tôi viết các lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi … Trong Đức Kitô, anh em không có nhiều cha đâu … Nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra cho anh em.

Bài đọc II: Cl 21,23

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ xa lạ với Thiên Chúa … và thù nghịch trong tư tưởng và trong hành động xấu xa.

Dân Côlôxê là những Kitô hữu mới toanh. Họ nhớ lại đời sống trước kia của họ. Nó không đẹp đẽ gì. Kiểu nói mạnh, dữ: “Thù nghịch của Thiên Chúa” … “tư tưởng và hành động xấu xa” …

Để chứng nghiệm được trọn phúc lành ơn cứu rỗi, phải ý thức được mối nguy chết người mà người ta được cứu thoát. Cảnh đắm chìm khủng khiếp này được tóm gồm trong những từ: “xa lạ với Thiên Chúa”. “Thù nghịch với Thiên Chúa” … Đối với con người, được tạo dựng để sống với Chúa, sống “Không có Chúa” là nỗi bất hạnh tồi tệ nhất.

Madeleine Debrel đã diễn tả thảm kịch này của thuyết vô thần bằng những lời đáng ghi nhớ. Người ta đã nói: “Thiên Chúa chết rồi”. Khi đó, đâu sẽ phải lương thiện để không sống như họ đã sống nữa. Người ta đã điều chỉnh vấn nạn cho mình: Còn phải điều chỉnh vấn nạn cho chúng ta … Người ta tất cả đều ở kề bên nỗi bất hạnh thật sự duy nhất, mà người ta có đủ can đảm để nói với mình điều đó không? Người ta có thể nói với một người hấp hối mà không thiếu tế nhị rằng “mạnh giỏi” không? … Khi người ta nói với họ: “Họ tái ngộ” hay “từ biệt”. Người ta sẽ không học làm sao mà nói: “Không ở đâu hết” … “Không gì hết” …

Nhưng hiện nay Thiên Chúa đã giao hòa anh em với Người.

Mối liên kết đã được nối lại.

Một cách tự phát, các tôn giáo bình thường nghĩ: vị thần linh đã bị thương tổn bởi tội lỗi của loài người, thì ta phải đền trả, xáp lại gần Thiên Chúa. Tân ước nói với chúng ta điều ngược lại. Không phải con người tiến lại gần Thiên Chúa để dâng cho Người của lễ đền bồi, mà chính Thiên Chúa đã đến để ban nó cho loài người. Trọn cả Tin Mừng lặp lại với chúng ta rằng, không phải loài người giao hòa với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa tìm kiếm loài người … Chính Thiên Chúa trả giá cho cuộc giao hòa này. Lạy Chúa, xin cảm tạ!

Trong xác thịt của Chúa Kitô, nhờ cái chết của Người.

Người đã trả giá Cuộc cứu chuộc “đắt giá”. Oi! Bao nhiêu! “Người đã yêu tôi và hiến mình cho tôi” (Gl 8,31-39).

Làm cho anh em nên thánh thiện, tinh tuyền không có gì đáng trách trước mặt Người.

Khởi điểm, chính là sự thù hận, ngăn cách.

Đây là đích cùng: là tình nghĩa thân thiết với Chúa, chia sẻ sự thánh thiện, hạnh phúc, vinh thắng của Người.

Lạy Chúa, xin làm cho con nắng mơ đến viễn cảnh đang rộng mở trước mặt con, cũng như trước mặt mọi người. Chính hướng về đó mà nhân loại tiến bước.

Miễn là anh em được xây dựng, kiên trì trong Đức tin.

Bởi vì đây không chỉ nói về việc mơ mộng. Phải dự phần: phải kiến tạo tương lai cùng với Chúa, Đấng muốn nó cho chúng ta, nhưng không phải là không có chúng ta.

Bền vững và không lay chuyển khỏi lòng trông cậy vào Tin Mừng mà anh em đã được nghe biết và đã được loan báo cho mọi tạo vật dưới bầu trời, là Tin Mừng mà chính tôi, Phaolô, là người phục vụ.

Khi người ta biết một “tin lành”, người ta yêu quý giữ gìn. Nhưng Tin Mừng không được lưu giữ cho nó. Đừng bao giờ quên rằng nó được thực hiện cho mọi tạo vật dưới bầu trời, được trao tặng cho mọi người không trừ ai.

Tôi thông phần vào Tin Mừng này thế nào?

BÀI TIN MỪNG: Lc 6,1-5

Chúng ta đã suy gẫm đoạn văn này mà cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật.

Luca viết cho các anh em dân ngoại, là những người ít quen sống với Lề Luật Do Thái, nên ông chỉ tóm gọn bối cảnh, không lấy lại những chứng cứ rút ra từ Luật, như Mát-thêu thường dùng để dẫn chứng cho các độc giả Palestin của ông (Mt 12,5-7).

Một hôm, vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa.

Đức Giêsu đang đứng trước bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp của mùa hè: thời gian gặt hái.

Các môn đệ Người bứt lúa, vò trong tay mà ăn.

Đó là cử chỉ rất tự nhiên, không đáng kể: đơn sơ, vô ý thức. Và cắn nhắt một hạt lúa mì đầy bột sữa, cũng là điều tốt thôi!

Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabát?”.

Đây không phải là trường hợp duy nhất xem ra Đức Giêsu vi phạm luật ngày Sabát. Người thường chống lại những người quá hạn hẹp, hay giải thích các quy định nghi lễ cách tỉ mỉ. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta không thể nói rằng Đức Giêsu đã lỗi phạm luật Môsê, bởi vì không gặp thấy chỗ nào trong Luật có những điều cấm cản như thế! Nhưng những tập truyện – cuốn Mischa – qua các thời đại, đã thêm vào Luật mọi thứ chi tiết: người ta kể ra có tới 39 cử chỉ bị cấm đoán trong ngày Sabát!

Cũng là điều quan trọng khi nghĩ rằng, chính Đức Giêsu đã giải thoát ta khỏi tất cả những điều đó. Con người có một khuynh hướng đáng tiếc là: gán cho “phương tiện” tầm mức quan trọng quá đáng, mà đôi khi quên mất “mục đích”. Vì thế, tôi cần phải nhận ra được điều cốt yếu.

Trong đời sống Đức tin, trong các tập tục tôn giáo, trong các lễ nghi: trước tiên, tôi cần nhìn đến mục đích thâm sâu … còn cách thức diễn tả có thể thay đổi.

Đức Giêsu trả lời.

Thái độ tự do Đức Giêsu thể hiện trước những quy định chi ly, không phải là một phản ứng đơn thuần tự nhiên: đó là một thái độ có suy nghĩ chín chắn mà Người sẽ biện minh.

Vua Đavid đã làm gì khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa lấy bánh dâng tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Câu chuyện ấy các ông chưa đọc sao?

Cách trả lời của Đức Giêsu hẳn là gây gai chướng không nhỏ. Không phải vậy sao? Khi biện minh cho một vi phạm đối với các nghi thức đền thánh, mà lại chỉ dựa vào “cái đó”! Bởi vì họ đói, nên họ đã làm điều cấm.

Đúng thế, không có hai thời điểm đối nghịch nhau trong công trình của Thiên Chúa. Điều mà Thiên Chúa mong muốn, đó là “con người được sống động”. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người với chiếc dạ dày, và khi Người trao tặng cho họ hoa trái và các loài động vật làm lương thực, thì chính là lúc kế đồ lớn lao của Người khởi sự … Và khi Thiên Chúa đòi hỏi con người tiếp gặp Người trong các nghi thức thánh, thì cũng là chính kế đồ đó được tiếp tục …

Câu trả lời của Đức Giêsu mang tính hiện thực biết bao! Tại sao Kitô giáo đôi khi lại có thể biểu lộ như thiếu nhân đạo, như khinh bỉ thân xác và cái thực tại của con người? Thân xác của tôi có quan trọng đối với tôi không? Tôi sẽ làm được gì, nếu không có nó? Ngay cả việc cầu nguyện – một hoạt động thiêng liêng nhất – cũng không thể thực hiện được, nếu không có thân xác, người bạn tốt này. Và Ngôi Lời đã nhập thể, đã mang xác phàm.

Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày Sabát”.

Thiên Chúa biết, ngày Sabát là một định chế thánh như thế nào!

Thế mà, Đức Giêsu quả quyết có quyền xét lại những chi tiết trong nghi thức liên hệ đến ngày Sabát, để tìm gặp lại ý định ban đầu của Người sáng lập Luật. Ngày nay cũng vậy, Giáo Hội luôn nại đến một truyền thống sâu xa hơn để thay đổi một vài tập tục nào đó.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Môn đệ bứt lúa vào ngày sa-bát.

HOÀN CẢNH:

Các luật sĩ tranh luận với Đức Giê-su về việc giữ luât ngày sa-bát

Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng này ghi lại việc các môn đệ Đức Giê-su bứt lúa ăn vào ngày sa-bát, đã gây ra cuộc tranh luận giữa các biệt phái và Đức Giê-su về việc giữ luật ngày sa-bát.

TÌM HIỂU:

1-2 “Vào ngày sa-bát…”:

- Nghỉ ngày sa-bát để ghi nhớ lời Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng nên thế giới (Xh 20,8-11). Đồng thời nó cũng loan báo việc dân Thiên Chúa khi kết thúc thời gian, đi yên nghỉ và bình an của Chúa.

Câu chuyện tranh luận xảy ra vào ngày sa-bát thứ hai tháng một, tức là gần mùa gặt, mà luật cũng cấm không được ăn lúa mới trước khi dâng của đầu mùa cho Thiên Chúa (Lv 32,14).

Đang khi đi qua cánh đồng lúa chín, các môn đệ bứt lúa và vò trong tay mà ăn. Hành vi của các môn đệ đã bị biệt phái khiển trách vì họ cho rằng các ông làm công việc đồng áng (bứt lúa) và chuẩn bị thức ăn (vò trong tay): đó là những cử chỉ lao động bị cấm trong ngày nghỉ việc (Ds 15,32)

3-4 “Đức Giê-su trả lời…”

Đức Giêsu bênh vực các môn đệ bằng cách giải thích cho họ nhớ lại, có những trường hợp được miễn giữ luật. Và Đức Giê-su đã rút ra từ Thánh Kinh hai trường hợp được miễn giữ luật để minh chứng: 1Sm 21,1-6 và Ml 12,5-6. Ở đây Lu-ca chỉ ghi lại trường hợp thứ nhất về câu chuyện vua Đa-vít cùng với thuộc hạ vì đói quá, nên đã ăn bánh chưng hiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ dành riêng cho các tư tế mới được ăn.

Nại đến bằng chứng này, Đức Giê-su muốn nêu lên rằng được miễn giữ luật khi có việc tối cần, mà ở đây là trong lúc quẫn bách không có gì ăn cho đỡ đói ngoài thứ bánh trưng hiến.

5 “Rồi Người nói: Con Người làm chủ ngày sa-bát…”:

Khi tuyên bố câu này, Đức Giêsu tự xưng Người có quyền xét lại những chi tiết trong nghi thức và luật lệ liên hệ đến ngày sa-bát, để tìm gặp lại ý định ban đầu của Đấng sáng lập luật.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta cần lưu ý chi tiết: Lu-ca viết cho các anh em dân ngoại, là những người ý quen sống với lề luật Do-Thái, nên ông chỉ tóm gọn bối cảnh, không lập lại chứng cứ rút ra từ luật như Mát-thêu thường dùng để dẫn chứng cho độc giả Do-Thái của ông (Mt 12,5-7)

Nhìn vào Chúa Giê-su:

1. Xem việc Chúa làm:

- Chúa Giê-su làm thinh trước hành vi bứt lúa của các môn đệ. Chứng tỏ Người thông cảm với các ông đang đói bụng, đàng khác, Chúa Giê-su muốn nêu cao luật bác ái quan trọng hơn: luật vì con chứ không phải con người vì luật.

Noi gương Chúa, chúng đừng quá khắt khe trong việc tuân giữ các hình thức của lề luật, nhưng chúng ta phải quan tâm đến bản chất, điều kiện và lợi ích của việc giữ luật. Chúng ta thường có một khuynh hướng đáng tiếc là: gán cho “phương tiện” hoặc “hình thức” của công việc tầm mức quan trọng quá đáng, mà đôi khi quên mất mục đích. Vì thế chúng ta cần phải nhận ra được điều cốt yếu

Trong đời sống đức tin, trong các tập tục tôn giáo, trong các nghi lễ: trước tiên chúng ta cần nhìn tới mục đích thâm sâu và bản chất của nó, còn cách thức diễn tả có thể thay đổi.

- Đối với những biệt phái ở đây, các môn đệ là người vi phạm luật, nhưng Đức Giê-su lại khiển trách! Đúng là con dại cái mang!”

Là những người có trách nhiệm với người khác, chúng ta cần phải biết nhận lãnh trách nhiệm liên đới khi những người thuộc quyền phạm lỗi, chúng ta không được phủi tay, khoán trắng trách nhiệm cho bất cứ ai, kể cả những người phạm lỗi.

- Chúa Giê-su bênh vực cho các môn đệ, sự bênh vực này không có nghĩa là che đậy lỗi lầm của các ông, nhưng là để giải thoát các môn đệ quan niệm hẹp hòi và óc vụ luật của các người cầm đầu dân.

- Là những người đứng đầu anh em, đứng đầu cộng đoàn, chúng ta phải biết bảo vệ anh em trước những cái bất công và tạo điều kiện dễ dàng cho anh em khi gặp hoàn cảnh khó khăn và vất vả.

2. Nghe Lời Chúa nói:

- “Các ông chưa đọc chuyện này trong sách à?”

Chúa Giêsu gợi ý cho các biệt phái, phải dựa vào Thánh Kinh để cân nhắc và đánh giá sự việc.

Điều này Chúa cũng nhắc nhủ chúng ta cần phải dựa vào Lời Chúa để cân nhắc và đánh giá sự việc chứ đừng bám vào ý riêng hoặc dựa vào lề thói của con người, khiến cho việc đánh giá và lượng định công việc bị sai lệch và chủ quan.

- “Vua Đavít đã làm gì khi vua và thuộc hạ đói bụng?”

Chúa có ý nhắc đến: vì nhu cầu cấp bách, thiết thực cho mạng sống con người, thì được miễn chước giữ luật. Áp dụng tinh thần này, Hội thánh cũng cho các trường hợp cấp bách được miễn giữ luật như:

* Đau bệnh ở mức độ nguy hiểm cho sức khoẻ thì được miễn luật dự lễ Chúa nhật.

* Nghèo đói ở mức độ làm ngày nào chỉ đủ cho ngày đó thì cũng được miễn giữ luật kiêng việc xác ngày Chúa nhật.

* Chăm sóc bệnh nhân đến mức độ không rời xa được và cũng không có ai thay thế được thì cũng không buộc dự lễ Chúa nhật và lễ trọng.

- “Con người làm chủ ngày sabat”:

Qua lời tuyên bố này, chúng ta nhận thấy:

* Ngày sabat, ngày Chúa nhật, là ngày thuộc về Thiên Chúa.

* Ý nghĩa sâu xa của ngày sabát không phải là làm cho con người thêm vất vả, trái lại giải thoát con người khỏi sự vất vả: kiêng việc xác.

* Qua sự nghỉ ngơi ngày sabat, con người nhận thức được uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên vạn vật, và uy quyền của Thiên Chúa giải thoát con người ra khỏi sự nô lệ các sự vật, nhất là vật chất.

* Luật sabat, luật Chúa nhật, nhằm gìn giữ, và bảo vệ phẩm giá con người.

* Ngày sabat được lập ra vì con người và cho con người.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.